Trước đây khách hàng tìm kiếm mua xe hơi, khi đi ngang qua hãng Hyundai, họ không màng nhìn vô bởi vì trong lòng họ, xe Hyundai không bền. Vài năm gần đây, bằng một bí quyết nào đó, cái tên Hyundai đã trở thành một thương hiệu có chất lượng trong tâm trí khách hàng. Stephen sống ở Mỹ và theo nhiều quảng cáo của Hyundai, cảm nhận được rằng họ đã nâng cấp chất lượng và dùng chiến thuật bảo hành 10 năm để tạo sự tin tướng nơi người Mỹ. Sau đây là bài nghiên cứu từ nguồn Doanh Nhân, thân mời các bạn
cùng xem cho thoả thích.
Khi nói đến những thành công của Công ty Xe hơi Hyundai hôm nay, người ta thường nhắc đến Chủ tịch công ty, ông Chung Mong Koo. Với triết lý mọi sản phẩm làm ra phải hoàn hảo, ông đã đưa Hyundai từ một nhãn hiệu rẻ tiền trở thành một trong những hiệu xe hơi có hạng trên thế giới. “Chúng ta không được phép để xảy ra hư hỏng nào”, ông thường nhắc nhở thuộc cấp như thế.
Ông từng bỏ ra đến sáu năm để liên tục truyền đạt cho nhân viên nguyên tắc làm việc không sai sót. Và kết quả thật ấn tượng. Chỉ vài năm trước đây, đối với nhiều người, cái tên Hyundai đồng nghĩa với một “sản phẩm tồi”. Nay mọi chuyện đã khác. Nhờ các dòng xe phổ thông và thể thao được thiết kế thời trang, giá cả phải chăng và có độ bền cao, Hyundai đang vươn lên, giành thị phần của những hãng xe hàng đầu thế giới.
Không chịu sai sót
Năm ngoái, lượng xe Hyundai tiêu thụ tại Mỹ đạt 419.000 chiếc, tăng 360% so với năm 1998. Còn tại châu Âu, doanh số của hãng này tăng 21% trong năm 2004. Ngoài ra, Hyundai còn chiếm 17% thị phần xe thông dụng ở Ấn Độ và là hãng sản xuất xe lớn thứ hai sau Maruti, một phân nhánh của Suzuki (Nhật) tại Ấn Độ. Để thu hút người tiêu dùng Ấn Độ, Hyundai sản xuất các xe loại nhỏ nhưng phù hợp thị trường, chẳng hạn như xe có mui cao tạo thoải mái cho người lái xe đội khăn xếp.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là với Trung Quốc, thị trường xe hơi đang lên, nóng bỏng nhất thế giới. Trong hai tháng đầu năm 2005, lượng xe do liên doanh giữa Hyundai và hãng xe Bắc Kinh sản xuất bán được nhiều hơn bất cứ hãng nào khác.
Doanh thu của Hyundai đã tăng trưởng ổn định ở mức 20%/năm trong vòng 5 năm qua. Vì thế, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Lehman Bros, kể từ năm 1999, Hyundai đã trở thành hãng sản xuất xe có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ngay cả Fujio Cho, Phó chủ tịch của Toyota, cũng thừa nhận: “Khách hàng đang quan tâm đến Hyundai do sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh”.
Công ty Hàn Quốc này đã đi theo đường lối tương tự như của Toyota vài thập kỷ trước. Con đường này đã giúp Toyota không còn là “hàng rẻ tiền nhập khẩu từ châu Á” mà trở thành một trong những nhãn hiệu xe hơi hàng đầu thế giới.
Khi bắt đầu thâm nhập thị trường Mỹ, Hyundai đã bán xe Excel với giá 4.995 Đô-la Mỹ. Excel lập tức trở thành loại xe bán chạy nhất dành cho các khách hàng bình dân. Đó là vào năm 1986. Tuy nhiên, các khách hàng sớm nhận ra tiền nào của nấy. Chất lượng của xe có vấn đề; phải thường xuyên thay thế phụ tùng. Hậu quả là doanh số giảm; Hyundai trở thành đề tài đàm tiếu cho mọi người.
Nhưng giống như Toyota đã vượt qua định kiến của người tiêu dùng khi phát minh ra quy trình sản xuất Kaizen, có nghĩa là “Liên tục cải tiến”, Hyundai đã nhanh chóng xây dựng hình ảnh mới cho mình nhờ chiến lược “Làm cho tốt”. Nhờ đó, mới đây, tạp chí tiêu dùng Consumer Reports đã trao cho chiếc Sonata của Hyundai danh hiệu chiếc xe đáng tin cậy nhất ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Hyundai cũng vươn lên vị trí thứ hai trong cuộc điều tra năm 2004 của hãng J.D. Power and Associates về chất lượng ban đầu của xe hơi, đồng hạng với Honda và chỉ sau Toyota. Sáu năm trước đây, Hyundai còn nằm trong danh sách những hiệu xe tệ nhất.
Quyết tâm cải cách
Người tạo nên thành công này là Chung Mong Koo, con của người sáng lập tập đoàn Hyundai. Ông Chung trở thành Chủ tịch Hyundai Motor vào năm 60 tuổi. Đó là năm 1998, giữa lúc khủng hoảng tài chính châu Á đang xảy ra, buộc Hyundai phải sa thải 25% số nhân viên. Năm 1998, Hyundai còn mua lại hãng xe Kia Motors. Đây cũng lại là một khó khăn khác cho ông Chung.
Ông lại không có nhiều kinh nghiệm về sản xuất xe hơi. Trước đó, phần lớn công việc của ông là quản lý các phân nhánh của tập đoàn Hyundai, gồm một công ty thép, công ty sản xuất ống dẫn, công ty đóng tàu vận tải và quản lý dịch vụ kinh doanh của Hyundai Motor. Vì thế, khi ông nêu ra ý định biến Hyundai thành một trong năm hãng xe hàng đầu thế giới, một số người đã tỏ ra ái ngại cho ông.
Giống như nhiều công ty gia đình ở Hàn Quốc, cơ cấu tổ chức của Hyundai rất khó thay đổi. Các giám đốc hiếm khi hợp tác với nhau và thường làm việc độc lập. Nhưng ông Chung vẫn quyết tâm tiến hành cải cách. Ông nhanh chóng truyền đạt ý tưởng của mình cho nhân viên.
Sau nhiều năm quản lý dịch vụ hậu mãi, ông nhận ra chất lượng sản phẩm là vấn đề nan giải nhất của Hyundai. Ông thường nói: “Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn đối với một công ty. Chúng ta phải cải thiện chất lượng sản phẩm bằng bất cứ giá nào”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhanh chóng nhận ra điều này. Ngay cả đối với Suh Byung Kee, người chịu trách nhiệm cải tiến chất lượng của Hyundai, cũng thừa nhận: “Lần đầu tiên đến với Hyundai, tôi cũng không nghĩ rằng chất lượng của chiếc xe lại quan trọng đến như vậy”. Nhưng đối với Chủ tịch Chung, chất lượng của sản phẩm là ưu tiên số một.
Để dỡ bỏ ngăn cách giữa các bộ phận, ông Chung đã buộc các nhân viên thiết kế, kỹ sư và quản lý phân xưởng làm việc với nhau như một nhóm. Ông lập ra các ủy ban kiểm tra bản thiết kế các mẫu xe mới và loại bỏ những sai sót tiềm tàng. Một tháng hai lần, ông tập họp các giám đốc cấp cao của Hyundai và Kia tại bản doanh công ty ở Seoul để phân tích các vấn đề về chất lượng. Đồng thời, trong các cuộc họp thường lệ tại nhà máy, ông cũng khuyến khích công nhân đề xuất các biện pháp cải tiến chất lượng.
Đôi khi ông Chung đã phải trả giá đắt cho quan niệm về chất lượng của mình. Năm ngoái, ông đã phải hoãn kế hoạch tung ra chiếc Sonata đời mới tại Hàn Quốc trong hai tháng để các kỹ sư khắc phục 50 khuyết điểm nhỏ của chiếc xe.
Còn năm 2003, ông đã yêu cầu Lee Hyun Soon, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của công ty, loại bỏ một tiếng ồn khó chịu khi tay người lái đè lên cần sang số trong bộ truyền lực của chiếc Kia Amanti. Khi Lee tỏ ý lo ngại về việc phải dừng tất cả quy trình sản xuất để giải quyết rắc rối trên, Chung đã bảo: “Tất cả vì chất lượng của xe”.
Đương nhiên, ông không chỉ quan tâm đến chất lượng. Ông còn tiến hành các biện pháp khác để cạnh tranh với người Nhật trong lĩnh vực công nghệ và thiết kế. Từ năm 1999, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của Hyundai đã tăng 110%, lên tới 1,6 tỉ Đô-la Mỹ năm nay. Hyundai đã đầu tư 200 triệu Đô-la Mỹ để xây thêm hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại California, Michigan và gần Frankfurt (Đức). Một cơ sở để chạy thử xe trị giá 60 triệu đô-la Mỹ cũng đã khai trương tại sa mạc Mojave, bang California vào tháng 1 vừa rồi.
Năm ngoái, tại Hàn Quốc, ông Chung đã cho mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu não, và xây thêm một trung tâm thiết kế với hệ thống trình chiếu ba chiều hiện đại.
Người cạnh tranh đáng nể
Ông còn đưa ra các chính sách mới để thu hút các khách hàng khó tính. Từ năm 1999, Công ty Hyundai đã đưa ra chế độ bảo hành trong 10 năm, chế độ bảo hành tốt nhất vào thời điểm đó.
Đồng thời, để cạnh tranh với các hãng lớn hơn, Hyundai đã trang bị cho xe nhiều tính năng đặc biệt, mà các hãng khác thường bán thêm với giá cao. Chiếc Sonata 2006 sản xuất cho thị trường Mỹ, chẳng hạn, được trang bị sáu túi khí bảo vệ (các hãng khác thường chỉ cung cấp bốn cái), Người đưa xe hơi Hyundai lên đỉnh cao dàn máy nghe đĩa CD và MP3 sáu loa, và hệ thống chống bó cứng phanh cao cấp, tất cả chỉ với 20.000 Đô-la Mỹ.
Gần đây, hãng xe General Motors khiến các nhà đầu tư lo ngại khi đưa ra dự báo thua lỗ trong quí đầu năm 2005. Còn Ford thì đưa ra dự báo thấp hơn về lợi nhuận trong năm 2005. Ông Chung nhận thấy đây là cơ hội thuận tiện để thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Để cạnh tranh hiệu quả hơn, ông cho chuyển dây chuyền sản xuất truyền thống của Hyundai từ các loại xe nhỏ sang sản xuất các loại xe lớn đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tháng 10 năm ngoái, Hyundai cũng đã tung ra chiếc xe thể thao loại nhỏ Tucson. Dự kiến cuối năm nay, hãng sẽ giới thiệu dòng xe Azera cao cấp cho thị trường Mỹ. Tiếp đó, Hyundai sẽ trình làng loại xe thể thao đa dụng (SUV) mới cùng mẫu xe đầu tiên của hãng dùng năng lượng hỗn hợp điện-khí.
Ông Chung còn cho xây dựng các nhà máy khắp thế giới. Tại Ấn Độ, hãng đang đầu tư 600 triệu Đô-la Mỹ vào một nhà máy thứ hai nằm ở thành phố Madras. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động trong năm 2007.
Trong tháng 4 này, Hyundai cũng đã khai trương nhà máy sản xuất đầu tiên ở Mỹ, trị giá 1,2 tỉ đô-la Mỹ, đặt tại Montgomery, Alabama. Ông Chung cho rằng nhà máy hiện đại này sẽ đem lại “một nền tảng vững chắc giúp Hyundai trở thành công ty hàng đầu trong ngành sản xuất xe hơi thế giới”.
Mặc dù vậy, vị thế của Hyundai trên thị trường vẫn không có gì bảo đảm. Những tháng tới sẽ là thời điểm đặc biệt cam go. Với nhiều mẫu xe được tung ra thị trường và cơ sở sản xuất tại Mỹ bắt đầu hoạt động, Hyundai có thể gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm.
Một vấn đề khác là lợi nhuận của hãng bị sụt giảm. Tại Mỹ, lượng xe Hyundai bán lẻ ít hơn 10-15% so với Toyota hoặc Honda. Và khi chi phí nhân công tăng lên cũng như khi đồng Đô-la bị mất giá, Hyundai phải thuyết phục khách hàng trả nhiều tiền hơn để giữ cho lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng. Năm ngoái, lợi nhuận của Hyundai chỉ tăng 2% trong khi doanh số tăng 10%. Ông Zayong Koo, nhà phân tích thị trường xe của Lehman Bros., cho biết sẽ phải mất nhiều năm trước khi Hyundai có thể ấn định được giá xe theo ý mình.
Nhưng dù sao, đối với ông Chung, mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu. Tuy đạt được những thành công ấn tượng, hãng của ông chỉ là hãng sản xuất xe hơi lớn hàng thứ bảy thế giới, với lượng xe bán ra hàng năm 3,3 triệu chiếc. Nhưng hẳn cũng không ai có thể xem thường Hyundai. Ông Chung từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở thành một đối thủ khó có thể bị đánh gục”.
lam sao giau tu noi luc – lam sao de dong tien tu lam sinh loi nhuan- lam sao tan dung nhung gi minh dang co de giau len- suc khoe gia dinh nha o cong viec quyet tam lam giau