Đây là tiểu sử của Soichiro Honda, người sáng lập ra hãng xe mô tô Honda, trích từ trang web Honda Việt Nam. Bài hơi dài nhưng đọc rất thích.
Thời Thơ Ấu
Trong suốt thời thơ ấu của mình, Soichiro Honda luôn bị những chiếc máy bay mê hoặc và luôn mơ ước được lái một chiếc ô tô.
Niềm say mê và mơ ước là hai điều luôn thường trực trong cuộc đời của Soichiro Honda. Mỗi người, khi còn trẻ đều có mơ ước và hoài bão của mình, nhưng cơn lốc của cuộc đời thường cuốn nó theo. Tuy nhiên Soichiro Honda không bao giờ quên được giấc mơ ngày thơ ấu của mình.
Mơ ước có lẽ là điều khó biến thành sự thật nhất. Mặc dù vậy, với Honda, ông là một người có tài, và với sự tự rèn luyện bản thân, ông đã theo đuổi được hoài bão của mình và biến giấc mơ thành hiện thực. 84 năm cuộc đời của ông luôn đầy ắp những thử thách khó khăn, nhưng phương châm của ông là luôn “theo đuổi vượt qua thử thách”. Tính cách này cộng với sự quyết tâm đã giúp ông đạt được mục đích của mình.
Ông Soichiro Honda sinh ngày 17 tháng 11 năm 1906 tại Yamahigashi, làng Komyo (nay là Tenryu), hạt Iwata thuộc Shizuoka Prefecture. Năm Shoichiro sinh ra cũng là năm đầu tiên giải đua “Grand Prix” được tổ chức tại Le Mans nước Pháp. Ngay từ đầu, dường như cuộc đời của ông đã được gắn liền với lịch sử của đua xe.
Shochiro Honda là con trai cả của gia đình Gihei Honda. Bố của Honda, ông Gihei là một thợ rèn. Do nghề nghiệp của ông nên trần nhà của gia đình Honda luôn ám khói đen. Công việc chính của ông là sửa chữa những dụng cụ nông nghiệp, bên cạnh đó ông còn rèn thêm gươm và thỉnh thoảng được thuê sửa súng săn lợn rừng và gấu. Từ kinh nghiệm đó, Gihei đã tự mình chế tạo súng. Ông làm tương đối tốt vì vậy cửa hàng bán súng ở địa phương đã thuê ông sửa chữa súng cho những khách hàng của họ. Với sự nổi tiếng về kỹ năng và sự khéo léo, ông đã được cả làng ca ngợi về đạo đức và tay nghề của mình.
Khi còn nhỏ, Shoichiro luôn quanh quẩn bên bố, xem ông làm việc và qua đó ông đã học được cách tự làm đồ chơi cho mình. Tài sản mà Gihei thừa kế cho con trai mình chính là lòng yêu thích nghề cơ khí.
Lúc còn là một cậu bé tiểu học, Soichiro được bạn bè gọi với một biệt danh là “Con chồn mũi đen”. Mũi của ông luôn đen do ông suốt ngày quanh quẩn cạnh cha mình để giúp ông rèn và do ông luôn chạy nhảy, hoạt động nên được gọi là “con chồn”. Ở trường, Soichiro thường học giỏi các các môn tự nhiên và thủ công, nhưng môn tập đọc và tập viết thì ông thường kém hơn do ông không thích học những môn này và thấy nó thật buồn tẻ. Vì vậy, ông rất sợ khi phải cầm bảng điểm về cho gia đình đóng dấu.
Ba năm trước khi Soichiro tốt nghiệp trường tiểu học, cha của ông, ông Gihei ngoài việc làm rèn còn mở thêm một cửa hàng sửa chữa xe đạp. Lúc này xe đạp trong làng cũng không nhiều, nhưng ông Gihei đã sớm tiên đoán được sự phát triển của nó. Một lý do nữa khiến ông mở cửa hàng là do ông bị bệnh đau dây thần kinh khiến ông khó có thể tiếp tục làm thợ rèn được nữa. Vào thời gian đó chỉ có một nơi duy nhất trong làng có thể thấy xe đạp là cửa hiệu của làng và chỉ có rất ít người biết đi xe. Để mở rộng công việc kinh doanh của mình, ông Gihei bắt đầu bằng việc dạy dân làng cách đi xe đạp. Hàng ngày trước khi đi học, Soichiro thường giúp cha mình ở cửa hiệu cho đến khi bạn ông, ông Uichi Yamazaki đến rủ đi học. Họ cùng nhau đi bộ đến trường. Trên đường đi, họ vui thích nói về những thay đổi, những điều bắt đầu có ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống, mang đến sự văn minh như họ được biết.
Tàu lượn – kỷ niệm khó quên
Vào một ngày của năm 1917 (Soichiro lên 11 tuổi), khi đang học ở trường, Shoichiro nghe thấy một vài người nói rằng tháng 5 này sẽ có một phi công người Mỹ tên là Art Smith sẽ đến bãi tập quân sự Wachiyama ở Hamamatsu để trình diễn kỹ thuật bay nhào lộn của mình. Mặc dù lúc đó mới đang học lớp năm và Hamamatsu cách nhà khoảng 20 km nhưng Soichiro Honda đã quyết định đi xe đạp đến đó. Ông đạp xe về hướng Hamamatsu, một thị trấn mà ông chưa bao giờ đến trên một chiếc xe to quá khổ so với ông lúc bấy giờ. Hành trình 20 km không phải là dễ thậm trí đối với cả một người lớn, nhưng do quá thích thú và tò mò muốn xem tàu lượn nên ông đã đến được bãi tập luyện. Trên đường đến đó, ông như càng bị mê hoặc bởi những chiếc ô tô ông nhìn thấy trên đường. Lúc này là những năm đầu của thế kỷ 20 và động cơ đốt trong cùng với tất cả những tiện lợi của nó là đại diện cho những gì mới mẻ và hiện đại trong tương lai.
Khi đến được bãi tập, niềm vui thích thú của ông sớm bị dập tắt khi ông không có đủ tiền mua vé vào xem. Thất vọng nhưng vẫn quyết tâm, ông nhìn xung quanh và tìm thấy một cây thông, ông trèo lên cây và trốn ở đằng sau cành lá. Ông không hy vọng sẽ có thể nhìn thấy tốt nhất. Tuy nhiên, ngay sau đó ông đã nghe thấy tiếng rú của động cơ xung quanh mình. Tiếng ồn của động cơ, tiếng máy bay cất cánh và kỹ thuật nhào lộn đã khiến ông thấy cực kỳ thú vị và suýt nữa bị ngã xuống đất.
Trên đường trở về nhà, trong đầu ông đầy ắp những ấn tượng mà ông đã được chứng kiến ngày hôm đó và biết rằng ông sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm này.
Tuổi trẻ và thử thách
Sau khi tốt nghiệp cấp hai năm 1922, Soichiro cùng bố đi lên Tokyo sau khi xem một quảng cáo tìm người giúp việc được đăng trên tờ báo thương mại. Nơi họ đến là một cửa hàng sửa chữa ô tô có tên là Art Shokai. Ông đã được nhận vào học việc tại cửa hàng Art Shokai và Shoichiro đã bị thu hút bởi những tiếng ồn của động cơ, máy móc. Một điều khác cũng khiến ông bị mê hoặc là những người mặc áo đồng phục, trong đó có cả những thợ điện, kỹ sư tàu hỏa, lái xe và phi công. Ông luôn cảm thấy rằng những người đội mũ và mặc đồng phục này dường như có nhiều sức mạnh hơn.
Ông Soichiro Honda cho rằng sự kiện ấn tượng nhất trong trong cuộc đời niên thiếu của ông là lần đầu tiên thoáng trông thấy một chiếc xe ô tô chạy ở trên đường. Ông nhớ mãi cảm giác như bị thu hút vào vật chuyển động đó. Cái gì đã thúc đẩy ông chạy đuổi theo chiếc xe khi nó bị biến mất trong đám bụi mù mịt. Lúc đó ông không nhận ra điều này nhưng đó quả là một sự kiện vĩ đại, khi nhìn thấy chiếc xe dường như ông đã nhìn thấy tương lai của mình trong khi đứng trong đám bụi đầy mùi gas, mùi dầu và cảm nhận được hơi nóng sức mạnh của chiếc xe ô tô đó.
Cửa hiệu Art Shokai cách Hamamatsu 350 km. Lý do duy nhất để cậu bé 15 tuổi muốn làm việc ở đây là có cơ hội được tiếp xúc gần gũi với những chiếc ô tô. Ông không hoàn toàn mong muốn kế nghiệp công việc kinh doanh của cha ông. Mặc dù ông là anh cả của 9 đứa em, ông vẫn muốn biết được mọi thứ về chiếc xe ô tô. Ông cảm thấy là mình đã may mắn khi được nhận vào cửa hàng Art Shokai, từ chỗ không hề biết chút gì về ô tô và Tokyo thì không giống như thị trấn của ông, những con đường rộng lớn, ngoằn ngoèo và những tòa nhà to lớn, trên những con đường đông nghịt có rất nhiều các loại ô tô và tàu điện khác nhau. Trước đây ông chưa bao giờ trông thấy tàu điện cả. Nhưng ông không thích tàu điện bởi vì khi chúng dừng lại thì động cơ cũng yếu dần đi. Ông cảm thấy ô tô là một phương tiện giao thông thuận tiện hơn nhiều.
Những năm tháng học việc tại cửa hiệu Art Shokai
Sau khi cha của Soichiro trở về nhà, ông một mình ở lại cửa hiệu với những người thợ khác, tất cả những người thợ này đều lớn tuổi hơn ông và lúc này ông mới nhận ra vị trí của mình trong cửa hiệu. Trong khi ông hình dung là mình sẽ được làm một việc gì đó liên quan tới máy móc, ô tô, nhưng thực ra công việc của ông chỉ là công việc nội trợ và trông trẻ cho gia đình ông chủ. Ông luôn phải cõng những đứa trẻ và trên lưng lúc nào cũng ướt đẫm nước tiểu của chúng.
Buổi tối khi đã làm xong hết công việc, Soichiro thường trốn vào trong xưởng để được ngắm những chiếc ô tô. Ông không hài lòng với công việc của mình và thậm chí còn nghĩ sẽ từ bỏ để trở về nhà. Chính lúc này, Sochiro Honda được ông Hikoji Kitazama, người giám sát trực tiếp động viên, giúp đỡ. Và trước khi lên Tokyo, Soichiro đã hứa với mẹ của ông rằng, ông sẽ không trở về cho đến khi học thành tài, vì vậy ông đã tự nhắc nhở mình “Trong bất cứ trường hợp nào mình cũng phải cố gắng học được nghề này”.
Vào một ngày mùa đông khi tất cả mọi người ở xung quanh đều rất bận bịu thì Soichiro được ông chủ gọi giao việc. Đó là công việc đầu tiên ông được làm với tư cách là một thợ cơ khí. Hôm đó là một ngày băng giá, ông nhớ là mình phải nằm ở dưới gầm xe gắn một thanh sắt vào dưới thân xe để bảo vệ cho động cơ của xe. Toàn bộ công việc diễn ra nhanh chóng, nhưng đó là công việc đầu tiên nên ông cảm thấy rất hãnh diện. Nhưng thật không may, công việc đó không được lặp lại, ông lại phải trở về trông trẻ và làm công việc nội trợ.
Công việc học nghề khắc nghiệt đó đã giúp ông cứng rắn hơn và trở thành một người đàn ông có thể đương đầu với bất cứ thử thách nào xảy ra trong cuộc đời sau này. Những ngày học việc không hoàn toàn là những ngày tồi tệ. Hàng ngày sau khi hoàn tất mọi công việc, ông được phép đi tới cửa hiệu thứ hai của Art Shokai nơi mà một chiếc xe ô tô đua đang được làm tại đó. Ông Sakakibara, ông chủ cửa hàng rất ham mê đua xe, một môn thể thao mới được giới thiệu ở Nhật Bản và ông này dự định tham dự cuộc đua bằng chính chiếc xe của mình.
Trận động đất và những thay đổi
Vào khoảng gần trưa ngày 1/9/1923, một trận động đất khủng khiếp đã xảy ra ở Tokyo và những vùng lân cận. Do trận động đất diễn ra vào gần giữa trưa, lúc mà hầu hết các gia đình đang nấu ăn, vì thế những ngôi nhà của người Nhật làm bằng gỗ và giấy dễ dàng bắt lửa và nhanh chóng sụp đổ. Trận động đất đó là một thảm họa khủng khiếp. Toàn bộ Tokyo hầu như bị cháy lụi với gần 100 ngàn người bị thiệt mạng. Vào lúc động đất, Soichiro chạy vào trong nhà và giật cái máy điện thoại đang treo ở trên tường ra vì ông biết đó là một thứ rất đắt tiền và vì vậy cần được bảo vệ. Nhưng bỗng nhiên ông chủ ra lệnh cho Soichiro phải đưa những chiếc ô tô ra nơi an toàn. Từ trước đến nay Soichiro chỉ biết có trông trẻ chứ chưa bao giờ được lái xe, nhưng ông đã cố nhớ lại những gì mà các thợ sửa chữa đã từng làm và cố gắng lái một chiếc xe ra khỏi cửa hiệu.
Sau trận động đất, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Không có người nào để ý hay nói bất cứ điều gì khi Soichiro chạm tay vào hoặc lái thử bất kỳ một chiếc xe ô tô nào cả. Hầu hết ô tô trong cửa hiệu là của khách hàng, nhưng cửa hiệu Art Shokai còn có một cái xe máy có thùng nhỏ ở đằng sau. Sau trận động đất, Soichiro trở thành người đi xe máy rất giỏi. Do cửa hiệu Art Shokai hầu như bị phá hủy bởi trận động đất nên họ xây một cửa hiệu tạm thời ở ngoại ô. Hàng ngày, ông đi xe máy từ cửa hiệu cũ đến cửa hiệu tạm thời. Mọi phương tiện vận tải ở Tokyo hầu như bị đình trệ, vì vậy nhiều người cần được giúp đỡ, và với chiếc xe máy của cửa hiệu, Soichiro đã giúp đỡ rất nhiều người.
Cửa hiệu không có ngay kế hoạch phục hồi và tiếp tục kinh doanh vì vậy hầu hết những thợ cơ khí trở về giúp đỡ gia đình của họ. Soichiro bị cuốn hút vào cuộc sống và những công việc sau trận thiên tai nên ông quên cả liên lạc với gia đình đến nỗi ông Gihei rất lo lắng về đứa con trai của mình và ông đã tìm mọi cách đi lên Tokyo tìm Soichiro. Khi thấy con trai mình dũng cảm chạy xe máy qua những đống đổ nát của Tokyo thì ông rất yên tâm.
Do động đất nên có nhiều xe ô tô bị phá hỏng, ông Sakakibara đã mua lại những chiếc xe này để sửa chữa phục hồi và bán cho khách. Còn cửa hiệu thứ hai của Art Shokai không bị phá hủy nên chiếc ô tô đua họ đang làm không bị ảnh hưởng gì và những người thợ lại tiếp tục lắp ráp. Được sự giúp đỡ của những người yêu thích đua xe, chiếc xe đua mang tên “Art Daimler ra đời vào mùa xuân năm sau. Chiếc ô tô với khung gầm Buick và động cơ rất nặng có 6 xilanh nằm thẳng hàng của Daimler có thể chạy được ổn định ở đoạn đường thẳng nhưng do trung tâm trọng lực của xe ở quá cao nên rất khó lái ở các đoạn đường vòng. Những người thợ chạy thử vài lần rồi quyết định làm chiếc khác.
Chiếc xe thứ hai được gắn động cơ máy bay Curtiss cùng với khung gầm Mitchell của Mỹ. Chiếc xe mới thì nhẹ hơn, trọng lực ở thấp hơn và được gọi là chiếc “Curtiss”. Soichiro cũng được tham gia vào dự án này. Trong nhiều đêm, những người thợ đã làm việc cần cù, cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn họ gặp phải. Chiếc xe Curtiss được lắp nguyên động cơ máy bay mà không có sự thay đổi gì cả. Vì vậy, khi lắp những phụ tùng ô tô thường sử dụng vào thì không có cái nào vừa. Mọi phụ tùng phải được làm lại, trong khi đó những người thợ không có bất kỳ một bản vẽ nào trong tay, họ chỉ hình dung ở trong đầu. Chính vì vậy, sau này Soichiro thú nhận là vô cùng lo lắng khi tham dự cuộc đua.
Chiếc xe “Curtiss” được hoàn thành sau 7 tháng và lần đầu tiên được xuất hiện tại cuộc đua tổ chức ở Tsurumi thuộc Kanagawaken. Ông Shinichi Sakibahara là lái xe, còn Soichiro Honda làm thợ kỹ thuật. Họ đã giành được giải thưởng và đạt số điểm cao nhất. Chàng trai trẻ Soichiro vô cùng vui sướng và chiến thắng này là bước khởi đầu cho niềm đam mê xe đua của Soichiro.
Vào mùa thu năm Soichiro 17 tuổi, ông Sakakibara cử một mình Soichiro đến Morioka, phía bắc của Nhật Bản để sửa một chiếc xe chữa cháy. Ông Sakakibara đã nhận thấy khả năng tuyệt vời về cơ khí ô tô ở cậu thanh niên trẻ của gia đình Honda. Mất hơn một ngày đường Soichiro mới đến được Morioka. Sau khi đến ga xe lửa, Soichiro đi bộ đến làng nơi có chiếc xe chữa cháy. Để hành lý trong nhà trọ, Soichiro bắt tay vào làm việc ngay. Lúc đầu, những người có mặt ở đó rất nghi ngờ khả năng của cậu thanh niên trẻ này. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến công việc mà Soichiro làm thì họ không khỏi ngạc nhiên. Sau đó, họ mời Soichiro nghỉ tại một phòng đặc biệt của quán trọ và thết đãi một bữa tối thịnh soạn. Soichiro Honda lấy làm lạ về cách đối xử đó và từ kinh nghiệm này ông nhận ra tầm quan trọng của việc giành được sự ghi nhận của mọi người.
Sau trận động đất công việc của cửa hàng Art Shokai vẫn diễn ra tốt đẹp. Doanh số bán hàng của họ vẫn tăng và hầu hết mọi nhân viên làm việc ở đây trước kia đã quay trở lại. Khách hàng của Art Shokai mang đến sửa những chiếc xe nhãn hiệu Mercedes Benzes, Lincolns và Daimlers. Vào thời điểm đó, Nhật Bản vẫn chưa có nhà sản xuất xe ô tô nào cả, tuy nhiên có rất nhiều thanh niên muốn học việc tại Art Shokai để được học những công nghệ mới và được tiếp xúc với những chiếc xe mà họ yêu thích.
Năm 1927, Soichiro trở về làng để khám sơ tuyển quân sự. Khi trở lại làng, ông được gặp các bạn bè cũ của mình và giữa họ ông nổi bật nhất, hiện đại nhất và có được một tay nghề rất khá. Soichiro là người duy nhất trong số bạn bè ăn vận theo kiểu phương Tây và cũng là người duy nhất biết lái ô tô, biết chụp ảnh và đã từng biết đến cảm giác chiến thắng trong những cuộc đua xe. Sau năm năm học việc tại cửa hàng Art Shokai và một năm chứng minh khả năng của mình với ông chủ, cuối cùng Soichiro đã được phép tự mở chi nhánh Art Shokai ở làng của mình tại Hamamatsu. Lúc đó Soichiro vừa tròn 21 tuổi.
Cũng vào khoảng thời gian này, những người Mỹ gốc Nhật mang xe đua về triển lãm tại Nhật Bản và câu lạc bộ đua xe của Nhật được thành lập. Phong trào đua xe ô tô bắt đầu được hình thành ở Nhật. Vào buổi tối, dưới sự hướng dẫn của ông Sakakibara, những người thợ sửa chữa sau khi làm xong những công việc thường ngày của họ thì cùng nhau lắp ráp chiếc xe đua và họ thường say mê làm đến tối khuya. Từ chỗ không có chút kinh nghiệm nào về những chiếc xe đua, họ đã cùng nhau thử nghiệm và cố gắng thực hiện. Soichiro rất thích những người thợ này và thường đứng quan sát họ làm việc.
Người trưởng chi nhánh “không bình thường”
Chi nhánh tại Hamamatsu của cửa hiệu Art Shokai được khai trương ngày 25/4/1928 với vị trưởng chi nhánh mới có 21 tuổi và một nhân viên. Bảng hiệu trước cửa chi nhánh ghi dòng chữ tiếng Anh “Art Automobile Service Station” trông khá kỳ quặc ở thị trấn nhỏ Hamamatsu. Lúc đầu, công việc kinh doanh của cửa hàng rất chậm, nhưng sau khi chế tạo thành công máy phát điện, cửa hàng làm ăn khá phát đạt trong năm đó. Năm 1929 là năm bắt đầu diễn ra tình trạng suy thoái chung trên toàn cầu, nhưng cửa hàng của Soichiro không bị ảnh hưởng. Kỹ năng tuyệt vời và những kiến thức về xe ô tô ngoại quốc của Soichiro đã giúp cửa hàng có nhiều việc hơn và số nhân viên tăng lến đến 15 người.
Từ kinh nghiệm của trận động đất Kanto, Soichiro hiểu được sự cần thiết phải phát triển những phụ tùng có độ bền cao chịu được cả trong lửa. Từ suy nghĩ đó, ông đã có những phát minh cải tiến với nan hoa bằng sắt thay thế cho nan hoa bằng gỗ. Nan hoa bằng sắt được đánh giá cao tại Triển lãm Công nghiệp Toàn quốc và sau đó trở thành mặt hàng xuất khẩu. Soichiro đăng ký quyền sáng chế cho phát minh này và mỗi tháng, ông thu được 1.000 yên tiền bản quyền. Vào thời điểm đó, kiếm được 1.000 yên là niềm mơ ước của nhiều người.
Soichiro trở nên giàu có và nổi tiếng trong thị trấn. Tuy nhiên những qui tắc nghiêm ngặt và tính kiên quyết không chịu nhượng bộ của ông thỉnh thoảng đã gây nên sự bất đồng với nhân viên trong cửa hàng. Nhân viên trong garage thay đổi liên tục, Soichiro không thể chịu đựng được những nhân viên lười biếng, và thiếu kiên nhẫn. Còn họ thì rất sợ tính nóng nảy của ông mỗi khi ông quăng ném dụng cụ đi.
Mặc dù là một người quản lý nghiêm khắc nhưng ông cũng rất giàu tình cảm, ông yêu một cô gái tên là Sachi Isobe. Cô vừa tốt nghiệp trường trung học nữ ở Shizuoka. Năm 1935, sau khi được gia đình giới thiệu với Sachi, Soichiro đã bị cô gái đẹp này hút hồn. Sachi không những đẹp mà còn thông minh và năng động. Cô nhận ra rằng Soichiro có một cá tính khác người. Tuy nhiên, sau những ngày cưới đầy hạnh phúc và yên ấm họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách.
Những chiếc séc măng (Piston) không thành công
Mặc dù công việc kinh doanh đang trong thời kỳ phát đạt, cửa hàng ngày càng được mở rộng nhưng Soichiro vẫn không hài lòng. Thiếu những khó khăn thử thách Soichiro cảm thấy bứt rứt, buồn bực không yên. Soichiro muốn làm một cái gì đó hơn là chỉ sửa chữa đơn thuần. Ông nghĩ rằng thậm chí nếu ông có là một thợ sửa chữa nổi tiếng thì ông cũng không khi nào có thể mở rộng hoạt động của mình để thu hút khách hàng từ Tokyo hay từ Mỹ được. Từ đó, ông bắt đầu suy nghĩ đến việc kinh doanh sản xuất.
Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của ông là những chiếc séc măng. Séc măng dường như là một chi tiết hoàn hảo, nhỏ nhưng rất đắt. Và thế là, Soichiro nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tiến hành sản xuất hàng loạt. Ông thuê nhà xưởng tại thị trấn Yamashita của thành phố Hamamatsu và mở “Phòng nghiên cứu sản xuất séc măng Art Shokai”. Ban Giám đốc của Art Shokai kịch liệt phản đối ý tưởng này của ông và họ không cấp vốn cho ông. Soichiro cảm thấy rất chán nản sau khi giấc mơ của mình bị dập tắt, do vậy ông đã bị đau dây thần kinh vùng đầu và sau đó đau lưng nặng. Trong suốt gần hai tháng Soichiro phải nghỉ ở nhà chữa bệnh, nhưng ngay cả trong lúc khó khăn đó ông cũng vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc phát triển chế tạo séc măng. Ông không bao giờ bỏ qua mơ ước của mình và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới.
Trong thời gian bị ốm, ông được người bạn tên là Saikichi Miyamoto đến thăm, ông này rất thông cảm với Soichiro. Ông Miyamoto hiểu những thử thách có tầm quan trọng đối với Soichiro như thế nào, vì vậy ông đã đồng ý cùng làm việc tại phòng nghiên cứu. Ngay sau đó, những căn bệnh của Soichiro dường như biến mất. Với sự hăng hái nhiệt tình vốn là đặc trưng của Soichiro, hai người bắt tay vào làm việc và ở luôn tại phòng nghiên cứu. Vợ, chị gái và người giúp việc của Soichiro hàng ngày đem đồ ăn đến cho họ. Khi mọi việc diễn ra không được suôn sẻ, Soichiro trở nên ủ rũ, chán nản. Vào những lúc đó thậm chí cả vợ ông – bà Sachi – cũng không an ủi được chồng, chỉ có một mình ông Miyamoto là có thể thuyết phục được và giúp ông lấy lại bình tĩnh.
Là một kỹ sư bẩm sinh, Soichiro tin rằng ông có thể làm ra được bất cứ cái gì một khi ông đã quan sát qui trình của nó. Mà sao lại không được cơ chứ? Cho đến lúc đó thực tiễn đều chứng tỏ ông thành công, vì vậy ông tin tưởng rằng mình sẽ luôn thành công như vậy. Đó chính là lý do tại sao ông nghĩ rằng ông có thể làm được séc măng. Mặc dù vậy, trải qua hàng loạt những thử nghiệm, ông vẫn chưa thành công. Nhưng một ý tưởng bỗng nhiên nảy ra, ông nghĩ rằng vấn đề có thể là ở chỗ kết cấu của kim loại. Ông đến gặp Giáo sư Takashi Tashiro ở trường kỹ thuật Hamamatsu (bây giờ là Khoa Cơ khí của trường đại học Shizuoka). Ông thấy là không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà cần phải có những kiến thức mới – những kiến thức cơ bản. Lúc này, Soichiro Honda đã 30 tuổi và là Chủ tịch Công ty do ông thành lập nhưng ông vẫn phải trở lại trường học. Người ta khá ngạc nhiên khi thấy một người lớn tuổi ở trong lớp học. Ngoài giờ lên lớp, Soichiro giành hết thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thậm chí Soichiro ăn ngay ở phòng thí nghiệm vào những lúc trái khoáy, không cạo râu và để đầu tóc rối bời nhưng ông không để ý đến các điều đó, ông chỉ quan tâm đến một vấn đề là chiếc séc măng. Và bên cạnh ông luôn có ông Miyamoto.
Thời gian đó, Soichiro bị rất khó khăn. Ông phải trả lương cho nhân viên, vì vậy ông không thể nản chí. Soichiro vừa làm việc như một thợ sửa chữa ô tô, vừa là một sinh viên và đồng thời lại tiến hành nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Thời gian biểu của ông luôn kín đặc. Ông thường phải làm việc rất muộn ở trường với thầy giáo Fujii và thầy Hata. Mặc dù trong tình trạng khó khăn về tài chính, ông vẫn lái chiếc xe sang trọng chế tạo ở nước ngoài đi học.
Năm 1936, để làm dịu đi sự thất vọng của mình, ông đã tham dự cuộc đua ô tô mang tên “Hamamatsu cùng với ông anh trai. Chiếc ô tô đua của họ có động cơ tuốc bin với kỹ thuật nạp nhiên liệu ly tâm được gắn vào khung của hãng Ford. Họ dự định cho chiếc ô tô đua tại đường đua tốc độ Tamagawa Speedway mới được xây dựng. ở đường đua này xe ô tô chạy theo chiều kim đồng hồ, do đó, để bù vào lực quay li tâm, Soichiro gắn động cơ ở bên trái. Trong cuộc đua, Soichiro lái xe còn Benjiro là thợ cơ khí, hai người luôn dẫn đầu. Tuy nhiên, khi gần về đến đích, một chiếc ô tô chạy ở bên lề đường bỗng nhiên xuất hiện ở phía trước xe của họ và hai chiếc xe bị va mạnh vào nhau, bắn tung lên trời làm cả hai người văng ra khỏi xe. Benjiro bị thương nặng, gẫy lưng, còn Soichiro bị gãy xương bả vai và bị thương nặng ở mặt. Nhưng thật may mắn là mắt của ông không sao, ông không bị mù.
Trong bệnh viện, ông không ngớt nghĩ về công việc kinh doanh của mình. Một tuần sau ông ra viện, bị thương nặng, tiền tiết kiệm thì hết và công việc kinh doanh chế tạo séc măng sụp đổ. Gia đình Honda rơi vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vợ của ông cùng với con nhỏ luôn phải đem cầm cố những đồ vật có giá trị của họ.
Một hôm, Soichiro chọn 50 chiếc séc măng trong số 30,000 chiếc ông đã làm và giao cho Toyoda Jido Shokki. Sau đó, được biết là chỉ có ba chiếc qua được vòng thử nghiệm của Toyota, ông rất tức giận. Ông cố kìm nén cơn tức giận một cách khó khăn và quyết định chuyển sang đối mặt với thử thách mới. Năm 1939, Soichiro thôi làm quản lý cửa hàng Art Shokai Hamamatsu, chuyển đến Sueo Kawashima trở thành Chủ tịch của Tokai Seiki Jyukogyo.
Sau hai năm học ở trường Hamamatsu, do không tham dự kỳ thi nên Soichiro bị buộc phải thôi học. Tuy nhiên, ông đi học chỉ là để có được những kiến thức cần thiết nhằm đạt được mục đích của mình và thành quả của ông được mọi người công nhận. Sau khi bị đuổi khỏi trường, ông đến trường đại học Tohoku Imperial và Nihon Muoran Seisakusho để học thêm những kiến thức khác.
Được trợ giúp bởi những điều học được ở trường, Soichiro đã phát minh ra nhiều thứ và có được rất nhiều bằng sáng chế. Một trong những phát minh đó là máy đánh bóng séc măng. Chiếc máy đó quả là một sự thay đổi to lớn và rất đơn giản trong khi sử dụng. Sau ba năm thử nghiệm và thất bại, khi sự kiên nhẫn của ông đã đến giới hạn, thì cuối cùng sự huyền bí được khám phá và Soichiro đã có thể làm được những chiếc séc măng tuyệt vời. Những ngày tháng đó là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của Soichiro. Tuy nhiên, chính từ những kinh nghiệm này, Công ty Honda ngày nay đã ra đời.
Năm 1937 diễn ra sự kiện “Rokokyo” (Chiếc cầu Marco Polo) ở Trung Quốc. Càng lún sâu vào cuộc chiến, người Nhật càng trở nên thiếu thốn quân nhu. Từ năm 1942, ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu tham chiến, cơ sở Tokai Seki Jyukogyo đã dần trở thành một nhà máy sản xuất thiết bị quân sự. Với 40% vốn do Công ty Toyoda Jido Shokki đóng góp, Tokai Seiki Jyukogyo trở thành một công ty con của Toyota với Soichiro làm Tổng Giám đốc và Taizo Ishida làm Chủ tịch.
Nhà máy hầu như chỉ sản xuất thiết bị quân sự, trong đó có những chiếc séc-măng cho máy bay chiến đấu và tầu chiến. Chiến tranh càng ác liệt thì tỷ lệ công nhân nam càng giảm, khiến Soichiro hiểu rằng cần phải đơn giản hóa máy móc sao cho những thợ học việc nữ cũng có thể vận hành dễ dàng. Máy tiện bốn trục là sự kết hợp bốn máy tiện thành một chính là một trong những sáng chế của ông vào thời kỳ này. Chiếc máy tiện mới này đã làm tăng hiệu quả lên bốn lần. Ông còn sáng tạo ra máy cắt cánh quạt máy bay để đáp ứng yêu cầu của ông Kaichi Kawakami, Chủ tịch nhà máy Nippon Gakki – một nhà máy lớn ở Hamamatsu. Sáng chế này đã rút ngắn thời gian chế tạo cánh quạt từ một tuần xuống còn mười lăm phút.
Thiên tài hiếm có của Soichiro bắt đầu được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực và ông trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản. Ông Kawakami thậm chí còn gọi ông là “Edison của Nhật Bản” và phong cho ông là “cố vấn đặc biệt” của Nippon Gakki. Nhà máy sản xuất cánh quạt máy bay này là tiền thân của Yamaha Hatsudoki mà sau này trở thành đối thủ của Honda trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo xe máy.
Người kính phục tài năng của Soichiro nhất là ông Taizo Ishida, người đã cùng làm việc với ông trong thời gian chiến tranh. Sau này, ông Ishida có nhận xét: “Trong đời, tôi đã gặp hai con người phi thường, một là Sakichi Toyota và người kia là Soichiro Honda. Cả hai đều có những tính cách kỳ lạ. Họ thật khác thường! Soichiro Honda luôn say mê những cái mới và lao vào thực hiện những dự án mới mà chẳng hề đếm xỉa tới vấn đề tài chính.”
Mặc dù công việc kinh doanh ngày càng phát đạt trong suốt thời gian chiến tranh, nhưng Soichiro rất lo lắng khi quân Mỹ tiến tới gần Nhật Bản. Hamamatsu nằm trong Khu công nghiệp ven bờ Thái Bình Dương, gần các căn cứ quân sự. Rõ ràng là Hamamatsu sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ. Và vào năm 1945, thành phố đã bị phá hủy trong một cuộc đột kích của máy bay Mỹ. Nhà máy Yamashita bị cháy rụi, còn bản thân Soichiro phải sơ tán về làng cũ. ở đó, ông mở một xưởng nhỏ và tiếp tục sản xuất với một quy mô khiêm tốn.
Chiến tranh kết thúc cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sản xuất séc-măng. Đó không phải là do ông không bán được sản phẩm mà vì ông đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong Công ty Tokai Seiki cho Toyota. Ông muốn nghe ngóng xem Nhật Bản sẽ đi theo hướng nào trước khi đề ra những kế hoạch mới. Ông nghĩ rằng “Tất cả mọi thứ đều cháy rụi và tan hoang, nhưng rồi chẳng bao lâu nữa những thách thức mới sẽ lại đến”. Một bầu không khí tự do mới sẽ xuất hiện. Ông sẽ đợi.
Xa hút tầm mắt vẫn không thấy gì cả. Tất cả những cánh đồng đều bị cháy rụi. Tokyo và hầu hết các thành phố khác của Nhật Bản bị phá hủy hoàn toàn. Ba triệu binh lính và 2 triệu thường dân, những người trở về sau cuộc chiến đều bị choáng váng. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiếu thốn nặng nề, tình trạng lạm phát tràn lan không thể kiểm soát nổi. Trong những năm này, Shoichiro và vợ ông, bà Sachi, sống cùng bố mẹ vợ và quan sát xu hướng phát triển của thế giới. Hầu hết thời gian này ông chơi nhạc cụ Shakuhachi (một loại sáo của Nhật) và Shogi (một loại cờ của Nhật). Ông chế tạo máy làm kẹo và thử làm muối bằng máy chạy điện trên bờ biển. Sau một năm tạm nghỉ ngơi, Soichiro thành lập Công ty Honda Gijyutsu Kenkyujo ngay trên nền của nhà máy Tokai Seiki Yamashita cũ. Ông đưa chữ “Gijyutsu” (công nghệ) vào trong tên của nhà máy để nhấn mạnh xu hướng phát triển trong tương lai. Mặc dù các cửa sổ vẫn còn hỏng và những quả bom chưa nổ vẫn còn nằm ngoài sân, ông đã mở công ty mới này với đầy ắp những ước mơ.
Người dân vẫn đang phải chịu cảnh thiếu thốn nhu yếu phẩm trong một xã hội còn đang phải vật lộn với những khó khăn vất vả. ý tưởng đầu tiên đến với Soichiro là chế tạo khung cửi dệt vải tự động, nhưng vì không có vốn nên ông đã phải từ bỏ ý tưởng này.
Một hôm bạn của ông – Giichi Masuda – mang đến một chiếc động cơ 50cc đã được sử dụng trong quân đội Nhật. Ông Masuda muốn hỏi xem Soichiro có cách nào sử dụng được động cơ này không bởi sau cuộc chiến hệ thống giao thông còn rất nghèo nàn. Tàu hỏa và xe buýt luôn đông nghẹt đến nỗi hành khách phải chui ra bằng đường cửa sổ.
Khi nhìn thấy chiếc động cơ, Soichiro nghĩ: “Một chiếc xe đạp mà được gắn động cơ thì thật tuyệt vời”. Tuy nhiên, ở khắp mọi nơi, dân tình đang phải chịu cảnh thiếu hàng hóa và hầu như không tìm đâu ra một bình nhiên liệu. Đây chính là lúc óc sáng tạo của Soichiro dẫn dắt. Cái gì có thể được sử dụng để thay thế bình nhiên liệu? Ông nghĩ đến mọi thứ và cuối cùng nảy ra ý tưởng từ một bình nước nóng. Điều này mở đầu cho loại xe đạp máy sử dụng nước nóng “Putt-Putt”, tên của chiếc xe xuất phát từ tiếng kêu mà chiếc xe này tạo ra.
Trong thời kỳ hậu chiến đó rất khó kiếm được xăng, vì vậy ông đã phải sử dụng dầu chiết xuất từ rễ thông. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông đã chế tạo được chiếc xe đạp có gắn động cơ. Do chỉ có 500 động cơ nên Soichiro phải tự mình chế tạo nên những chiếc xe.
Năm 1947, Soichiro yêu cầu một kỹ sư trẻ tên là Kiyoshi Kawashima, người sau này trở thành chủ tịch Honda Motor nhiệm kỳ II, thiết kế và chế tạo động cơ hai kỳ. Một năm sau, động cơ kiểu chữ A (2 kỳ và 50 cc) cải tiến từ động cơ xe “Putt-Putt được hoàn thành. Chiếc xe gắn loại động cơ này là sản phẩm đầu tiên của Công ty Honda. Chiếc xe có kiểu dáng đẹp và giành được 60% thị phần nội địa, thậm chí sau đó còn được xuất khẩu sang Đài Loan.
Công ty Honda Motor thành lập vào tháng 9/1948 với số vốn là 1 triệu Yên. Để đạt được công suất tối đa, bố của Soichiro, ông Gihei, đã phải bán đất lấy tiền cho Soichiro đầu tư. Tiếp theo động cơ chữ A là động cơ chữ B và C. Tất cả những chiếc xe máy chế tạo ở nhà máy Honda đều bán chạy, và đến năm 1949 công suất hàng tháng lên tới 1.000 chiếc. Mặc dù vậy, tình hình tài chính của Công ty vẫn rất eo hẹp, điều này phản ánh điều kiện kinh tế khó khăn của người tiêu dùng vào lúc này.
Sau này Soichiro cho biết ông không hề quan tâm đến lợi nhuận, mà chỉ rất vui khi biết rằng sự sáng tạo của ông đã giúp ích mọi người. Đôi khi, vào những lúc đứng bên bờ vực của sự phá sản, Công ty cũng gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động. Vào đúng thời điểm đó, Soichiro gặp một người đã đem lại sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của ông. Người đàn ông đó tên là Takeo Fujisawa, sau này trở thành Phó Chủ tịch Honda Motor. Soichiro là một thiên tài sáng tạo, nhưng khả năng quản lý tài chính của ông thì lại hạn chế. Sau khi bàn bạc với bạn ông, Hirotoshi Takeshima, Honda được giới thiệu với Fujisawa, lúc đó đang là quản lý của một nhà máy nhỏ trong thị trấn. Fujisawa chính là tuýp người mà Honda đang tìm kiếm. Một thiên tài về sản xuất và một thiên tài về quản lý đã liên kết với nhau. Trong buổi gặp mặt, Soichiro nói với Fujisawa “Tôi là một kỹ sư, vì vậy tôi sẽ không bao giờ nghe lời khuyên của ông trong lĩnh vực sản xuất”. Fujisawa cũng đáp lại “Tôi là một thương gia, nhưng tôi không bảo đảm là sẽ đem lại lợi nhuận tức thì. Tôi muốn ông hãy nhìn xa vào tương lai”.
Cả hai đều đồng ý với quan điểm của nhau và họ luôn làm việc trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của mình. Từ đó cho đến khi Fujisawa qua đời, họ là một cặp bài trùng không gì có thể tách rời được. Sức mạnh hiện nay mà Công ty Honda có được là nhờ sự hợp tác giữa Honda và Fujisawa.
Vào tháng 10 năm 1949, Fujisawa đến làm việc với tư cách là Giám Đốc Điều hành của Honda. Hai tháng trước đó, Soichiro đã chế tạo thành công động cơ chữ D (2 kỳ, 98cc). Động cơ này không giống với các loại động cơ 2 kỳ trước, nó gắn liền vào chiếc xe máy và mở đầu cho loại xe máy có trọng lượng nhẹ ra đời. Ông gọi chiếc xe đó là “Dream”, bởi vì ông cảm thấy rằng với sản phẩm này, những giấc mơ của ông sẽ trở thành hiện thực.
Trong khi tiến hành dự án này, Soichiro và vợ ông, bà Sachi, đi du lịch đến Kyoto. Soichiro bị cuốn hút vào bức tượng Phật tại đền Sagaji. Ông quỳ trước bức tượng nhiều giờ cho đến tận khi trời tối. Trong một tuần liền, ông đứng ngắm bức tượng phật cổ ở Kyoto. Trong chuyến đi này, ông hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy sự tương đồng giữa gương mặt của tượng Phật và mặt trước của chiếc xe Dream của ông. Ông cảm nhận được nét truyền thống và vẻ trang trọng trên khuôn mặt bức tượng và quyết định lấy đường nét này đưa vào chiếc xe máy.
Sáu tháng sau, ông Fujisawa thành lập Phòng Kinh doanh ở Kyobashi, Chuo-ku, Tokyo, để đảm bảo nguồn vốn và thúc đẩy việc bán xe “Dream”. Chiến lược của Fujisawa nhanh chóng mang lại kết quả, doanh số bán xe tăng mạnh ở khu vực phía Bắc và phía Đông Nhật Bản. Fujisawa gửi đi những cuốn catalogue giới thiệu về xe “Dream với đầy đủ thông tin về các cửa hàng bán xe đạp. Chỉ sau một thời gian ngắn, mạng lưới gồm 5.500 cửa hàng đã được thiết lập trên khắp Nhật Bản.
Chuẩn bị cho việc kinh doanh trên phạm vi cả nước, Công ty đã triển khai xây dựng nhà máy ở Kamijyujo, Kita-ku, Tokyo, và sau đó là một nhà máy khác lớn hơn ở Shirako, quận Saitama. Doanh số bán hàng tăng nhanh đến mức sản lượng của nhà máy Shirako với 1.500 xe/tháng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 1953, Công ty mua một vùng đất rộng ở Yamato-machi, quận Saitama, để xây một nhà máy khác. Cùng lúc này, để theo kịp tốc độ mở rộng Công ty, trụ sở chính Honda đã chuyển đến Yaesu, Tokyo. Soichiro cũng chuyển tới Tokyo trước đó 9 tháng. Tốc độ phát triển của Công ty Honda khiến không ai có thể tin được.
Thông báo ý định tham dự đua xe gây ngạc nhiên cho mọi người
Chiếc xe máy đắt tiền “Benly J” được đưa ra vào năm 1953, nhưng chiếc xe này bán không chạy lắm. Năm sau, chiếc xe Scooter đầu tiên của Honda, xe “Juno” cũng được xuất xưởng. Juno là tên của một Nữ thần sắc đẹp thời La Mã cổ, ngay cái tên này đã cho thấy đây là một chiếc xe Scooter rất đẹp, sử dụng nhựa tổng hợp để làm khung, yên xe được thiết kế kiểu mới và động cơ lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật. Khẩu hiệu “Sự hàng đầu của khoa học và nghệ thuật” được sử dụng để miêu tả chiếc xe này khi quảng cáo. Tuy nhiên, việc thêm những nét mới đã làm chiếc xe nặng thêm và khách hàng thì phàn nàn về hình thức của nó. Rất nhiều sản phẩm không bán được và Công ty một lần nữa lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng về tài chính.
Lần này, đối mặt với việc phá sản, Soichiro một lần nữa lại đưa ra ý tưởng khác thường. Một trong những giấc mơ của ông là tham dự vào cuộc đua danh tiếng trên thế giới, đó là cuộc đua mang tên “Isle of Man Tourist Trophy Race”. Soichiro chính thức thông báo ý định này trong và ngoài Công ty, thậm chí còn gợi ý rằng họ sẽ thắng trong cuộc đua này. Tất cả mọi nhân viên của Công ty đều giật mình sửng sốt. Cuộc đua T.T là nơi gặp gỡ đầu tiên cho tất cả những nhà sản xuất hàng đầu ở các nước phương Tây. Mọi người đều nghĩ rằng Honda không có đủ khả năng và kinh nghiệm để tham gia sự kiện này. Tình hình tài chính của Công ty đang trên đà xuống dốc. Bản thân Shoichiro cũng chưa bao giờ chứng kiến cuộc đua này.
Trong những ngày này, xuất hiện khá nhiều những nhà sản xuất xe máy, và một số cuộc đua như Nippon Jyudan, Nagoya T.T., Fuji Race và Asama được tổ chức ở Nhật Bản. Honda chưa từng đạt kết quả cao ở các cuộc đua này. Triết lý của Soichiro là: “Không cần thắng ở Nhật. Trước tiên, tôi muốn chiến thắng trên Thế giới”. Ngay sau khi ra thông báo, ông đến Isle of Man – nơi cuộc đua được tổ chức.
Vài tháng trước khi thông báo quyết định này, Honda đã tham dự một cuộc đua ở Sao Paulo của Brazil. Cuộc đua được tổ chức để kỷ niệm thành phố 400 năm. Tay đua của Honda, Mikio Omura đứng thứ 13.
Những gì Soichiro nhìn thấy ở Isle of Man đã khiến ông bị sốc. ở đây hoàn toàn khác so với những gì ông tưởng tượng. Ông dường như bị tốc độ và động cơ của những chiếc xe trong cuộc đua đè bẹp. “Không có cách nào khiến chúng ta có thể chiến thắng. Tôi đã mắc phải một sai lầm lớn”. Đó là ý nghĩ của Shoichiro khi ông đứng bên cạnh đường đua. Nhưng ông là một người khác lạ, ông không dễ dàng hối tiếc hay từ bỏ những giấc mơ của mình. Ông đã đưa ra một giải pháp khác để phát triển. Đầu tiên, ông bắt đầu công việc với tốc độ của động cơ. Ông cần phải tăng vòng quay từ 3.000 lên 10.000 vòng một giây. Động cơ với 10.000 vòng quay một giây lúc bấy giờ tuơng đương với động cơ máy bay phản lực. Do những phụ từng thích hợp để lắp động cơ có tốc độ cao đó không có ở Nhật Bản nên Soichiro đã phải đi Châu Âu cùng giáo sư Matao Sanuki ở trường Đại học Tokyo để mua tất cả những phụ tùng có thể có. Tính kiên quyết của Honda đã kích thích những kỹ sư trẻ và họ cùng với ông xây dựng một loại xe đua có thể cạnh tranh trên quốc tế.
Tháng 6/1959, 5 năm sau khi thông báo ý định tham dự vào cuộc đua nổi tiếng T.T., Kawashima và đội đua đã mang chiếc xe đến Isle of Man. Đây là lần đầu tiên một đội đua của Nhật Bản tham dự vào cuộc đua này. Họ đã giành vị trí thứ 6 ở loại xe 120cc nhưng rất không hài lòng với kết quả đó. Rút kinh nghiệm từ cuộc đua này, Soichiro và đội của ông đã làm việc chăm chỉ hơn trước để đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cuộc đua năm sau đó.
Hai năm sau thất bại đầu tiên, họ đã gây chấn động cuộc đua T.T. Họ giành được tất cả các giải ở cả hai loại xe 125cc và 250 cc với 5 vị trí đứng đầu. Một chiến thắng hoàn hảo. Họ đã đoạt hết các giải thưởng của các đối thủ khác. Đó là năm thứ 7 sau khi Honda ra thông báo điên khùng là sẽ tham dự cuộc đua T.T ở Isle of Man.
Khởi đầu môn đua xe thể thao ở Nhật Bản
“Nếu chúng ta dẫn đầu thế giới, chúng ta chắc chắn sẽ dẫn đầu ở Nhật”
Quan điểm của Soichiro hoàn toàn khác so với hầu hết quan điểm của người Nhật. Ông nhìn ra thế giới và đặt mục tiêu trở thành số một thế giới. Không quan tâm đến công nghệ và chi phí, ông tiến hành ngay cho đến khi đạt được mục tiêu. Đó là cách làm rất dũng cảm và mạo hiểm, nhưng đối với cuộc đua T.T Race, và cuộc đua Công thức 1 thì điều này đã mang lại thành công. Quyết định dứt khoát và tính cách mạnh mẽ của ông đã khiến xe máy và ô tô Honda nổi tiếng trên thế giới.
Trước chiến thắng to lớn ở giải Isle of Man, Honda mong muốn xây dựng một trường đua xe máy ở Nhật Bản. Đó là thời điểm khi một phần nhà máy Suzuka đang dự định xây thành nơi giải trí cho nhân viên. Ông nói “Mỹ có giải Indianapolis 500, Châu Âu có giải Grand Prix, còn ở Nhật không có gì cả. Đối với Hiệp hội công nghiệp ô tô Nhật Bản, chúng ta cần tổ chức cuộc đua ô tô, xe máy. Tôi thích tốc độ. Tôi muốn mọi người đều có thể tận hưởng được tốc độ giống như tôi.
Fujisawa hiểu mong muốn của Honda. Honda cho biết nếu chúng ta xây dựng một trường đua, thì trường đua đó phải rất độc đáo. Fujisawa đã đưa ra một số ý tưởng, nhưng họ không có đủ tiền mua một vùng đất rộng để xây đựng được một đường đua tốt. Dự án được khởi công dưới sự chỉ đạo của ông Fujisawa, nhưng vào thời điểm đó ở Nhật chưa có kinh nghiệm cũng như công nghệ phù hợp để xây dựng đường đua. Trường đua Suzuka được hoàn thành vào năm 1962 với chi phí 2.5 tỷ yên. Mặc dù Honda mơ ước xây dựng trường đua, nhưng ông cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Ông cố gắng hạn chế tối đa không mở rộng đến những vùng trang trại và những cánh rừng của người dân xung quanh. Một cái ao ở khoảng đất trồng trọt là yếu tố tự nhiên vẫn được giữ nguyên trong quá trình xây dựng và hiện nay vẫn được dùng để tưới tiêu cho những trang trại xung quanh.
Sự kiện đầu tiên được tổ chức ở trường đua Suzuka là một cuộc đua xe máy. Sáu tháng sau, cuộc đua ô tô đầu tiên, cuộc đua Grand Prix Nhật Bản được tổ chức. Từ đó, những đường đua tương tự đã được xây dựng ở Nhật Bản đó là đường đua Funabashi và Fuji Speedway, nhưng trường đua Suzuka là trường đua đầu tiên trong lịch sử thể thao ô tô ở Nhật Bản. Nếu Soichiro không có ý tưởng và quyết tâm xây dựng đường đua này, có thể ngành công nghiệp ô tô của nhật Bản không thể đạt được tốc độ phát triển nhanh như vậy. Honda không tham dự vào cuộc đua Grand Prix đầu tiên này, bởi vì lúc đó Honda chưa sản xuất ô tô.
Đối với Honda, một người say mê tốc độ thì giấc mơ xe bốn bánh của ông là xe ô tô thể thao. Đã thành công với tư cách là nhà sản xuất xe máy hàng đầu, nhưng Soichiro luôn tìm kiếm những thách thức mới. Bước tiếp theo của ông dường như là sản xuất xe ô tô. Năm 1962, Honda cho ra đời loại xe S360, xe ô tô con loại nhỏ và xe T360, xe tải loại nhẹ. Mẫu xe này được gắn loại động cơ mà thường chỉ được sử dụng cho xe thể thao. Năm 1963, một năm trước khi diễn ra Đại hội thể thao Tokyo, nền kinh tế của Nhật sẵn sàng chuyển sang một bước phát triển cao hơn. và trong bối cảnh đó, chiếc xe thể thao loại nhỏ S500 được giới thiệu ra thị trường. Loại xe S500 đã thu hút công chúng Nhật Bản với thiết kế phức tạp và mới mẻ của nó. Vô lăng, kiểu dáng và đối trọng được đưa ra phù hợp với xe ô tô thể thao. Chỉ có một điểm duy nhất của chiếc xe này không được công chúng ưa thích đó là mầu sắc. Lúc đó, mọi người cho rằng màu đỏ và màu trắng giống xe cảnh sát và xe cứu hỏa.
Cùng lúc này, Chính phủ đang cân nhắc để thông qua “Đạo luật đặc biệt thúc đẩy ngành công nghiệp” với mục đích củng cố ngành công nghiệp Nhật Bản. Đạo luật mới sẽ hợp nhất các nhà sản xuất ô tô để tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Nếu đạo luật này được thông qua sẽ cản trở Honda sản xuất xe ô tô và hạn chế việc kinh doanh xe máy. Soichiro kịch liệt phản đối kế hoạch này và chỉ trích thái độ của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế của Nhật.
Nhưng cuối cùng thật may mắn đạo luật thúc đẩy ngành công nghiệp không được thông qua. Trong khi Soichiro tiếp tục nâng cao loại xe S500 thì S600 và S800 ra đời. Sự xuất hiện của loại xe này được khẳng định qua hai lần chiến thắng ở cuộc đua Isle of Man. Loại xe S800 đã được triển lãm tại Châu Âu và được đánh giá rất cao.
Bất ngờ tham dự cuộc đua công thức 1
Khi mà nghành công nghiệp xe máy đang còn sửng sốt về việc Honda xuất xưởng chiếc xe S600 vào tháng 1/1964 thì cùng lúc đó, Soichiro tuyên bố dự định của Công ty tham dự vào cuộc đua xe ô tô công thức 1.
Ông nói “Chúng ta có thể sử dụng xe ô tô công thức 1 như một thí nghiệm về tốc độ cho những xe ô tô của chúng ta. Trường đua là cách nhanh nhất để chúng ta học được cách làm thế nào để xe chạy nhanh và an toàn”. Ý tưởng của ông là áp dụng những kiến thức và những kinh ngiệm thu được ở trường đua để cải tiến những sản phẩm mới. Thông qua việc tham dự những cuộc đua, các kỹ sư có cơ hội kiểm nghiệm những công nghệ trên lý thuyết của họ, ông gọi đó là “Giấc mơ của người kỹ sư”.
Thách thức theo đuổi tốc độ lại bắt đầu. ông Fujisawa cũng đồng ý với Honda, muốn sản phẩm của Honda nổi tiếng trên thế giới phải chiến thắng tại các cuộc đua. Một lần nữa, Soichiro lại lập đội chế tạo. Vào thời điểm đó, ở Nhật Bản hầu như chưa có một chiếc xe đua bánh trần nào cả. Những kỹ sư chưa hề có kinh nghiệm đã phải vất vả để dựng lên hình mẫu xe đầu tiên, xe RA270 trong 6 tháng.
Để mở đường cho Honda tham dự vào cuộc đua công thức 1, Soichiro đã cố gắng cung cấp những động cơ do hãng sản xuất cho những đội đua đã từng thường xuyên tham gia các cuộc đua công thức 1. Đơn đặt hàng đầu tiên họ có là từ đội đua mang tên Lotus của Anh. Tất cả đều rất vui mừng và gửi mô hình động cơ RA271E cho Lotus vào cuối năm 1963. Sự vui mừng của họ kéo dài không lâu. đầu năm 1964, Lotus gửi thư huỷ bỏ. Shoichiro rất bối rối, nhưng không lùi bước, ông quyết định Honda sẽ tự làm mọi thứ.
6 tháng sau sự kiện này, chiếc xe Công thức 1 đầu tiên của Nhật Bản, chiếc Honda RA271 xuất hiện tại cuộc đua Grand Frix được tổ chức tại Đức. Thân xe được sơn màu trắnng với mặt trời đỏ tượng trưng cho lá cờ của Nhật Bản được vẽ ở đầu xe. động cơ thắng V12, bộ truyền lực, thân xe, xíc và tất cả các phụ tùng khác đều do Honda sản xuất. Điểm nổi bật là động cơ với xi lanh 4 van, điều này chứng minh cho sự tiến bộ đột phá về công nghệ của Soichiro và đội của ông.
Một năm sau, tại giải đua Grand Prix 1965 tổ chức tai Brazil, cuộc đua cuối cùng của mùa giải, chiếc xe đua công thức 1 Honda RA271 do tay đua người Mỹ điều khiển đã giành chiến thắng. Đó là một sự kiện lịch sử đối với quốc đảo nhỏ vùng đông á. Chiến thắng thần kỳ này đến sau giải Grand Prix đầu tiên 11 năm.
Năm 1967, tại giải Grand Prix tại Italia, chiếc công thức 1 RA300 lại một lần nữa giành chiến thắng. Dự án xe đua Công thức 1 đã mang lại thành công rực rỡ. Tuy nhiên sang năm 1968, Soichiro quyết định tạm ngừng cuộc đua công thức 1 để tập trung vào sản xuất ô tô. Tiếng nổ của động cơ Honda rất độc đáo, và ngày nay những người sống ở thời gian đó vẫn nhớ lại “Tiếng nổ của động cơ Honda”.
Giấc mơ thời niên thiếu trên một con đường thôn quê đầy bụi vào một ngày hè oi bức xa xưa đã trở thành hiện thực khi xe ô tô của Honda được xuất xưởng. Ngay sau đó, vấn đề về môi trường do khí thải động cơ ô tô gây ra trở thành vấn đề nóng bỏng. Đáp lại nhu cầu của xã hội, Soichiro chuyển giao khả năng cho những kỹ sư trẻ. ông tin vào sức mạnh và khả năng của giới trẻ. Đứng đầu là Tadashi Kume (người sau này là Chủ thịch thứ 3 của Honda), những kỹ sư của Honda đã chế tạo thành công loại động cơ làm mát bằng nước có ít khí thải, được gọi là động cơ CVCC. Xe ôtô Civic, lắp động cơ này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ.
Ông Soichiro Honda qua đời vào ngày 5 tháng 8, năm 1991 vì bệnh thận, thọ 84 tuổi. Vợ, Sachi và 3 con còn sống.
bài viết rất hữu ít.
toi rat thich bai viet nay vi toi dang muon tim hieu them nhieu ve honda yeu quy
hiện tại tôi cũng đang làm ở một cửa hàng honda ủy nhiệm tôi rất muốn có một chiếc xe honda để đi nhưng tôi chưa đủ điều kiện và tôi mơ ước có một chiếc xe ga click mà tôi rất thích hi vọng thời gian tới ước mơ của tôi xẽ thành hiện thực
Bai viet tuyet qua. The gioi that co nhieu nguoi vi dai
Toi xin thanh that cam on honda. Toi cug la 1 nguoi thich toc do va co khi. Nhug chiec dream hay wave nhat may rat cug lam do chay rat tot nhug chiec xe dan dug bih thuog co the ko chay lai nhug chiec xe cua honda do.nhug rat tiec dua xe la 1mon the thao dc the joi cog nhan nhug o viet nam thi mon the thao nay chua dc fat trien neu ko mun noi la chag co j dag noi.wa tut hau so voi the joi.toi mog la viet nam se tao co hoi de mon the thao nay fat tren hon.fuc vu cho nhug so thix chih dag cua chug toi.
Dạ, ông đúng là một vĩ nhân, con sẽ trở thành một người không phải là”như” mà là “hơn” ông để phục vụ nhân loại.
Luôn luôn phai la số 1 để tồn tại
Tôi rất nễ phục ông, không những là một nhân tài bẩm sinh mà là người đầy đủ ý chí dám vượt qua mọi thử thách ghê gớm. Thành kình tri ơn ông đã cống hiến cho Nhân loại .